"TỘI TINH THÂN RƠM "
( Bình bài thơ Lửa gần rơm trong tập thơ Lửa
gần rơm
của tác giả Đinh văn Y )
“ Lửa gần
rơm” là tập thơ thứ hai của tác giả Đinh Văn Y, sau khi anh tốt
nghiệp Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà Văn Việt Nam. Lửa gần rơm “mới
về cách cảm, mới về cách nhìn, mới về câu chữ khiến câu thơ lung linh huyền ảo
hơn”(Lời của người giới thiệu tập thơ- Phạm Thuận Thành). Tên tập thơ cũng là
tên một bài thơ mà có lẽ tác giả cho là bao quát hơn cả.
“Cậu đem lửa”- “Mình mang rơm”
Chăn trâu, tát vét, nướng tôm ăn cùng
Trải rơm làm ổ ngồi chung
Đến ngày mẹ nhắc “Con đừng mang rơm”
Tưởng là mẹ tính thiệt hơn
Tôi thì ngúng ngẩy, dỗi hờn, không nghe
Lớn rồi hai đứa một xe
Ba năm trường huyện bạn bè thường trêu
Khi anh cao hứng nhận liều
Tôi thầm ôm ấp những điều bông lơn
Giờ thì mẹ cấm ngặt hơn
Mẹ đe “Lửa để gần rơm có ngày”
Trách trời trở gió heo may
Anh vào đại học chia tay một chiều
Mắt anh lửa cháy rất nhiều
Bấy giờ tôi hiểu những điều mẹ khuyên
Nguyện làm cô Tấm thảo hiền
Dốc lòng chờ đợi tới miền Kinh đô
Rơm vàng, cất giữ, hong khô
Trộm nhìn mắt mẹ nỗi lo lớn dần
Anh về thăm lại mấy lần
Mắt xưa lửa đã nguội dần còn đâu
Tôi thầm nén chặt nỗi đau
Mẹ tôi đem chuyện đẩu đâu vô tình:
“Bây giờ bếp điện, ga bình
Con đừng chờ lửa tội tình thân rơm”
Thành ngữ có câu Lửa
gần rơm lâu ngày cũng bén, nửa đầu của câu thành ngữ trở thành tứ của bài
thơ. Cái tứ độc đáo ấy gợi nhiều ý nghĩa. Lửa gần rơm có
thể là một tai họa, lửa
gần rơm có thể là một sự thăng hoa. Nhưng tác giả của bài thơ lại khai thác
khía cạnh khác, lửa
gần rơm là một sự lỡ làng “con đừng chờ lửa tội
tình thân rơm”. Trên cái nền tự sự theo thời gian. Từ thuở Cậu đem lửa mình mang
rơm. Đến lúc Lớn
lên hai đứa một xe cho tới “ Anh vào đại học chia
tay một chiều” và kết cục Tôi thầm nén chặt nỗi
đau. Đi cùng với thời gian ấy là sự lớn dần của tình yêu. Tứ thơ được phát
triển từ chỗ thi vị đến bi kịch. Hình ảnh lửa, rơm được
biến hóa đa dạng xuyên suốt bài thơ làm nổi bật chủ đề. Lửa, rơm để nướng
tôm, Rơm làm ổ
ngồi chung là hoàn toàn mang nghĩa đen và chỉ là một nghĩa diễn tả cái hồn
nhiên, ngây thơ của tuổi niên thiếu. Đến lời khuyên của mẹ con đừng mang rơm
thì rơm đã
mang hai nghĩa song vẫn là cái hồn nhiên của tuổi trẻ nên Tưởng rằng mẹ tính
thiệt hơn. Đến mẹ đe Lửa để gần rơm có
ngày - lửa rơm
đã trở thành hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ. Diễn tả cái thi vị, cái mộng mơ của
tuổi học trò hai
đứa một xe, cái tuổi cô cậu ngộ nhận dễ mắc “sai lầm”. Cái tuổi lửa gần rơm lâu ngày
cũng bén. Đọc đến đây không ai nghĩ chuyện lửa rơm còn là
chuyện của cô cậu thời chăn trâu, tát vét nữa. Đến khi lửa trong mắt
chàng trai rực cháy ngày chia tay vào đại học và nguội dần sau mấy lần về thăm
và Rơm vàng cất
giữ hong khô thì lửa rơm đã chuyển
nghĩa không còn mang nghĩa gốc nữa. Lửa diễn tả tình
yêu rực cháy khi chia tay và nguội dần sau mấy lần về thăm của người con trai. Rơm hong khô và tội tình thân rơm
diễn tả sự hi vọng và thất vọng của người con gái. Bài thơ như một câu chuyện
có ba nhân vật, người đọc trân trọng tình cảm hồn nhiên, trong trắng của tuổi
thơ, tình cảm thủy chung, đức tính thảo hiền của cô gái và đặc biệt cảm thông
sâu sắc với nỗi lòng người mẹ thương con. Mỗi lời khuyên của người mẹ đều đúng
lúc, đúng thời điểm mang ý nghĩa giáo dục trong tình hình hiện nay không ít
những cô gái chạy theo lối sống thời mở cửa sẵn sàng cho “rơm bùng cháy” khi
chưa đủ điều kiện. Và cuối cùng trong lời khuyên ”Bây giờ bếp điện, ga
bình, Con đừng chờ lửa tội tình thân rơm” thật chí lí và có ý nghĩa
nhân văn. Những lời nói của mẹ chẳng phải vô tình, chẳng phải đẩu đâu. Mẹ nói Bây giờ bếp điện ga
bình là mẹ hiểu. Cuộc sống vật chất hiện đại đã làm người ta quên đi những
vật chất truyền thống và người ta sẵn sàng bội bạc với quá khứ. Câu nói của mẹ
còn mang ý nghĩa khái quát cho cả thời cuộc đã có sự đổi thay. Còn nhân vật thứ
ba là chàng trai rõ chân tướng là kẻ bội bạc. Cảm thông với cô gái bao nhiêu,
độc giả giận chàng bấy nhiêu. Lí do gì thì nơi phố phường đã khiến anh chàng
quên đi mà có lẽ không phải quên, nói chính xác là đánh mất đi cái hồn nhiên,
ngây thơ trong trắng, mất đi không chỉ tình yêu mà cả tình người. Hiện tượng
này khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Bài thơ cũng khiến ta liên tưởng bài
thơ Mưa xuân của
Nguyễn Bính cũng có chủ đề lỡ làng, cũng có ba nhân vật. Khi Hội chèo làng Đặng
đi ngang ngõ thì mẹ bảo Thôn Đoài hát tối nay
và khi hội chèo làng Đặng về qua ngõ mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.
Cái lỡ làng của cô gái trong Mưa xuân chỉ là
do sự thất hẹn của chàng trai không chịu sự tác động của thời cuộc, còn cái lỡ
làng của cô gái trong bài thơ này có yếu tố của thời cuộc, của cơ chế thị
trường.
Bài
thơ viết theo thể lục bát, vần nhịp khá nhuần nhị, yếu tố tự sự kết hợp hài hòa
với yếu tố trữ tình làm bật chủ đề lỡ duyên, đây
cũng là thế mạnh của tác giả. Nếu ai đã từng đọc hai tập thơ của anh sẽ thấy rõ
điều đó. Bài thơ bộc lộ cảm xúc chân thành, mang đến nhiều xúc cảm đan xen cho
người đọc đồng thời cũng bộc lộ một chủ đề tư tưởng sâu sắc, góp một tiếng nói
cho đề tài tình yêu trong thơ.
Nguyễn Đức Ngọc
Nguyên hiệu
trưởng trường trung học Gia Bình
Huyện Gia Bình -Bắc Ninh